Thư gởi con

Đọc “Thư gởi con” của Pierre Antoine làm mình nhớ đến bộ phim “What is that?” hay “Cha, con và chú chim sẻ”. Một phim ngắn cảm động của tác giả Constantin Pilavios về cách ứng xử của con cái với cha mẹ khi các đấng sinh thành đã cao tuổi.

Thư gởi con

Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn cái mặc… Xin con hãy bao dung!

Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.

Nếu như bố mẹ cứ lập đi lập lại hàng trăm lần mãi một chuyện, thì đừng bao giờ cắt đứt lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!

Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu truyện hằng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.

Nếu như bố mẹ không tự tắm rửa được thường xuyên, thì đừng quở trách bố mẹ và đừng nên cho đó là điều xấu hổ.

Con hãy nhớ… lúc con còn nhỏ, bố mẹ đã phải viện cớ bao lần để vỗ về con trước khi tắm.

Khi con thấy sự ít hiểu biết của bố mẹ trong đời sống văn minh hiện đại ngày hôm nay, đừng thất vọng mà hãy để bố mẹ thời gian để tìm hiểu.

Bố mẹ đã dạy dỗ con bao điều… từ cái ăn, cái mặc cho đến bản thân và phải biết đương đầu với bao thử thách trong cuộc sống.

Nếu như bố mẹ có đãng trí hay không nhớ hết những gì con nói… hãy để bố mẹ đôi chút thời gian để suy ngẫm lại và nhỡ như bố mẹ không tài nào nhớ nổi, đừng vì thế mà con bực mình mà tức giận… vì điều quan trọng nhất đối với bố mẹ là được nhìn con, đưọc gần bên con và được nghe con nói, thế thôi!

Nếu như bố mẹ không muốn ăn, đừng ép bố mẹ!… vì bố mẹ biết khi nào bố mẹ đói hay không.

Khi đôi chân của bố mẹ không còn đứng vững như xưa nữa… hãy giúp bố mẹ, nắm lấy tay bố mẹ như thể ngày nào bố mẹ đã tập tềnh con trẻ những bước đi đầu đời.

Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi.

Con đừng oán giận và buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con.

Hãy cố hiểu và chấp nhận, đến khi về già, sống mà không còn hữu ích cho xã hội mà chỉ là gánh nặng cho gia đình!… và sống chỉ là vỏn vẹn hai chữ “sinh tồn”.

Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.

Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ.

Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.

Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…

Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại…

Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con.

Thương con thật nhiều…
Bố Mẹ

Thư từ Nhật Bản #2

Xin cám ơn anh Đăng về bài viết này. Bài viết của anh khiến tôi yên tâm hơn ở cái vùng nguy hiểm 20km xung quanh khu vực nhà máy Fukushima 1 này, cái vòng tròn màu vàng trên TV ngày nào chắc cũng chiếu đó anh. Hôm qua bác sĩ khám xem chúng tôi có bị nhiễm phóng xạ không? Ơn trời, không có người nào dính cả dù lăn lộn trong cái vùng chết chóc này 10 ngày nay. Chúng tôi ở đây không sao thì chắc bà con mình ở các vùng an toàn khác sẽ không hề hấn gì.

Nhưng mà tiếc quá anh Đăng ơi. Tôi chỉ tiếc là bài viết này anh cho nó ra đời trể 1 tuần. Nếu anh cho nó ra đời sớm một tuần thì chắc anh đã cứu đời sống kinh tế và gia đình cho cả chục ngàn người VN ở Nhật này và thân nhân ở VN của họ chứ không đến nỗi bỏ của chạy lấy người như mấy bữa nay. Từ hôm qua có rất nhiều em du học sinh đã chạy về đến VN gửi mail hỏi tôi làm cách nào giúp các em quay trở lại Nhật để đi học vì khi hoảng sợ quá bỏ chạy thì các em đã không xin giấy Tái nhập quốc Nhật. Ôi, tôi cũng chịu thua, vụ đó thuộc bên Sở Nhập quốc của Bộ Tư pháp chứ tôi đâu biết. Ngay từ tuần trước cho đến hôm nay nhiều em kể cho tôi nghe thông tin là họ hoảng sợ ngoài lý do động đất, sóng thần và phóng xạ còn có thêm nỗi lo vì có thông tin khoảng 50 người gồm có phần nhiều nhân viên Đại sứ quán VN ở Tokyo và gia đình bỏ chạy trong chuyến bay đầu tiên của VNA kể từ sau động đất do một em du học sinh là con cháu của các nhân viên Đai sứ quán khi bỏ chạy về đến VN gửi mail cho họ, sau đó thông tin này lan truyền trong đám du học sinh và tu nghiệp sinh vậy là họ hoảng loạn càng hoảng loạn thêm, ngay đến cả một số em đang là giảng viên đại học, kiến thức đầy mình cũng bỏ hết chạy về VN, nhiều em than với tôi là mới thi đậu Đại học, học phí nhập học vừa đóng xong, giấy tờ nhập học chưa làm gì hết, bỏ chạy về VN bây giờ muốn quay lại cũng không được vì không có giấy tái nhập quốc, mà nhiều đứa ở tận Nagasaki lận đâu có dính líu gì trên này. Khổ thiệt. Cái dân mình nhiều người học cao còn hơn dân người ta mà lại không chịu sống suy lý cứ nghe đồn là chạy, tôi nghĩ không ra được.

Sáng hôm qua tôi đọc báo Asahi trong mục Thiên thanh nhân ngữ người tổng biên tập viết một câu đọc nghe thấy đau, không biết anh đọc chưa. Tôi không nhớ chính xác lắm toàn nội dung nhưng mà cái câu khiến tôi cảm thấy đau đó đại khái là như vầy “Bây giờ nếu lên Ginza, thành phố sầm uất nhất Tokyo, chúng ta sẽ không còn thấy bóng dáng của người ngoại quốc, không chỉ khách du lịch, người đến Nhật công tác mà ngay cả các nhân viên ngoại giao của nhiều nước ngoại quốc đã bỏ chạy khỏi Nhật. Điều đó gợi cho chúng phải khắc ghi một điều rằng chúng ta cảm tạ nhân dân ngoại quốc đã chia sẻ tâm tình với nhân dân trong vùng thảm họa. Nhưng muốn tái thiết quốc gia sau cơn thảm họa, chúng ta phải dùng bằng chính sức lực của mình, không thể nghĩ đến việc nhờ vả sự giúp đỡ của ai, một điều mà chúng ta tưởng đã quên sau hơn nửa thế kỷ”.

Đọc rồi nghe rờn rợn đó anh. Một điều huấn thị của thế hệ người Nhật đi trước nhắc cho lớp con cháu nhưng với tôi thì tôi cảm giác đó là một sự trách móc nhẹ nhàng của người Nhật với những người ngoại quốc đã đến sống và làm việc ở đây. Một cái câu nghe có cảm giác như câu “Khi vui thì vỗ tay vào. Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai” của dân Việt mình quá. Tôi cảm giác có một chút gì đó bi phẫn trong nỗi niềm của người tổng biên tập đó cũng giống nỗi bi phẫn tột cùng của tôi hôm mới lên đây công tác vậy. Muốn tìm kiếm thông tin chính xác của người Việt mình để dễ tìm kiếm cứu họ nhưng mà tìm không ra một nhân viên đại sứ quán nào của VN, gọi điện thoại cho Đại sứ quán VN cả chục lần để hỏi thì không một ai bắt máy. Trong khi nhân viên đại sứ quán Singapore, Indonesia, Thailand họ có mặt tại khu vực này vào ngay ngày hôm sau động đất với danh sách tên tuổi, địa chỉ toàn bộ công dân của họ ở vùng này và yêu cầu cảnh sát phải hỗ trợ họ tìm kiếm cũng như dọn dẹp vùng trống để họ lập cầu hàng không bằng trực thăng tư nhân thuê lên đây để di tản dân của họ. Họ cũng Đông Nam Á như dân mình nhưng sao họ làm hay quá. Chỉ có vài giờ đồng hồ là họ di tản hết dân của họ khỏi vùng nguy hiểm còn đại sứ quán VN thì bỏ chạy trước dân. Kiếm giùm được 3 chiếc xe chạy lên đón công dân sau khi các em học sinh phải kêu gọi đến cả đài BBC nhờ vả mà tự hào ca ngợi báo chí,TV trong nước đăng rình rang khiến tôi không hiểu họ còn có lòng tự trọng nữa hay không biết.

Vài dòng chúc anh chị khỏe. Hẹn gặp anh ở Saitama nếu anh có thời gian rảnh. Anh ở Wakoshi phải không, nếu vậy thì cũng gần chỗ tôi. Tôi ở 和光市本町.

Hà Minh Thành

—————-

和光市本町: khu Honcho, thành phố Wako, tỉnh Saitama

(Source: nguyendinhdang.wordpress.com)

Thư từ Nhật Bản #1

Nguyên văn lá thư từ Nhật Bản

Xin chào anh Nguyen Hung

Em là Minh Thành đây. Anh và gia đình khỏe không ? Mấy ngày nay mọi sự đều quay cuồng lên cả. Mở mắt cũng thấy xác chết, nhắm mắt cũng thấy xác chết. Mỗi thằng tụi em mỗi đứa phải trực 20h/một ngày. Ước gì thời gian dài 48 tiếng một ngày để mà còn đi tìm cứu người. Điện nước không , thực phẩm gần như số không ? Di tản dân chưa xong thì lại có lệnh đưa dân đi di tản tiếp.

Em đang ở Fukushima, cách nhà máy điện Fukushima 1 khoảng cách 25km, có rất nhiều chuyện có thể viết nên thành sách về tình người trong hoạn nạn.  Ngày hôm kia em đã tìm thấy và cứu được một người VN. Anh ta tên là Toàn đến từ Mỹ, kỹ sư nguyên tử lực làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, anh ta bị tai nạn ngay cơn động đất đầu tiên, mọi thứ hỗn loạn nên chẳng ai giúp anh ta liên lạc cả.

Tình cờ biết được em đã liên lạc với Đại sứ quán Mỹ và phải công nhận tụi Mỹ nó nhanh, ngay lập tức trực thăng của quân đội Mý đến bệnh viện bốc anh ta đưa thẳng ra hạm đội

Còn lại một số tu nghiệp sinh VN ở trong vùng này thì em đang tìm vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Nếu có thông tin chính xác tên tuổi, nơi làm việc của họ thì dễ tìm kiếm hơn. Ở Nhật cảnh sát không có quản lý gắt gao về hộ tịch như ở VN và luật bảo hộ thông tin cũng khiến cho việc tìm thông tin của họ cũng khó. Em gặp một phụ nữ Nhật có làm việc chung với 7 cô gái đến từ VN làm việc với tư cách tu nghiệp sinh, chỗ họ làm cách bờ biển khoảng 3km, bà ta nói rằng họ không biết tiếng Nhật và lúc chạy loạn thì họ chạy theo bà ta, nhưng sau đó thì không biết chạy đi đâu còn sống hay là chết.Trong đó bà ta chỉ nhớ tên một cô gái tên là Nguyễn Thị Huyền (Có thể tên là Hiền) vì làm việc chung nhau.

Nhân viên Đại sứ quán và chính phủ VN vẫn chưa thấy xuất hiện ở đây, dù đọc trên báo mạng của VN thấy họ nói lo lắng cho dân VN rất tốt, toàn xạo cả.    Ngay cả cảnh sát tụi em còn đói khát tả tơi thì huống chi tới mấy đứa nhỏ tu nghiệp sinh VN. Nỗi khổ nhất ở vùng này bây giờ là Lạnh, Đói, Khát, không có điện, thiếu thông tin. Dân chúng thì vẫn bình tĩnh, lòng tự trọng và luân lý của họ tốt nên chưa đến nỗi loạn nhưng nếu tình hình này kéo dài thêm chừng 1 tuần nữa thì có khả năng tình hình an ninh không thể kiểm soát nổi. Họ cũng là con người mà, khi cơn đói khát đã vượt quá lòng tự trọng và nhân cách thì cái gì cũng phải làm thôi. Chính phủ đang lập cầu không vận thực phẩm và thuốc men vào vùng này nhưng chỉ như muối bỏ biển.    Có nhiều chuyện muốn kể cho anh nghe để đăng trang tin của anh nhưng mà nhiều đến độ bây giờ em cũng chẳng biết gì mà viết nữa.    Có một câu chuyện cảm động ngày hôm qua một đứa bé Nhật đã dạy cho một người lớn như em một bài học làm người.

Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm.Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất  và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhiìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: ” Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.

Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: ” Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.

Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Nghĩ lại câu nói của ông già Fuwa nguyên chủ tịch Đảng CS Nhật giáo sư dạy em về Tư bản luận đã nói rằng ” Nếu Mac sống lại, ông ta sẽ thêm một câu vào trong cuốn Tư bản luận đó là ” Chủ nghĩa CS chỉ thành công trên đất Nhật”.

Vài dòng gửi cho anh, chúc anh khỏe .Tới giờ em vào phiên trực nữa rồi.

Chúc anh và gia đình vạn sự an khang.

Hà Minh Thành